Ðối với thánh đồ trông mong Nước Thiên Ðàng mà đang sống cuộc đời đức tin chân thật thì có một thập tự giá nhất định phải gánh chịu, ấy là sự hoạn nạn và bắt bớ. Kinh Thánh dạy chúng ta – những người trông mong Nước Thiên Ðàng rằng phải trải qua nhiều khó khăn thì mới vào được nước Ðức Chúa Trời (Công Vụ Các Sứ Ðồ 14:22). Sự hoạn nạn và bắt bớ là dụng cụ tôi luyện cho lòng đức tin chúng ta được vững chắc hơn nữa hầu cho chúng ta cùng dự phần vào sự đau đớn của Ðấng Christ. Hãy tìm ra trong Kinh Thánh lý do tại sao thánh đồ phải trải qua nhiều sự hoạn nạn và bắt bớ trên con đường theo đuổi lẽ thật, bằng lòng thành tâm mà mong đợi Nước Thiên Ðàng.
1. Tại sao chúng ta phải chịu đựng sự hoạn nạn và bắt bớ?
1) Bởi vì chúng ta là người dân chân thật của Ðức Chúa Jêsus.
Giăng 15:20 “Nếu họ đã bắt bớ ta, ắt cũng bắt bớ các ngươi.”
2) Bởi vì chúng ta không làm bạn với thế gian nhưng mong muốn sống theo lẽ thật ở trong Đấng Christ.
II Timôthê 3:12 “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Ðức Chúa Jêsus Christ, thì sẽ bị bắt bớ.”
3) Bởi vì chúng ta là con cái Ðức Chúa Trời.
Rôma 8:17 “Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: Kẻ kế tự Ðức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Ðấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài.”
4) Bởi vì chúng ta sống vì nước của Ðức Chúa Trời.
II Têsalônica 1:5 “Ðó đủ chứng cớ về sự đoán xét công bình của Ðức Chúa Trời, Ngài muốn khiến anh em nên xứng đáng cho nước Ngài, là vì nước đó mà anh em chịu khổ.”
5) Bởi vì chúng ta là con cái của lời hứa bởi Thánh Linh mà sanh ra.
Galati 4:28-29 “Hỡi anh em, về phần chúng ta, chúng ta cũng như Ysác, là con của lời hứa. Nhưng, như bấy giờ, kẻ sanh ra theo xác thịt bắt bớ kẻ sanh ra theo Thánh Linh, thì hiện nay cũng còn là thể ấy.”
6) Bởi vì chúng ta ghét sự giả dối.
Giăng 3:20 “Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công việc của mình phải trách móc chăng.”
7) Bởi vì chúng ta phấn đấu để đi vào Nước Thiên Ðàng.
Công Vụ Các Sứ Ðồ 14:22 “Giục các môn đồ vững lòng, khuyên phải bền đỗ trong đức tin, và bảo trước rằng phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được nước Ðức Chúa Trời.”
2. Thái độ của thánh đồ đối với sự bắt bớ
1) Kinh Thánh phán hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ.
Mathiơ 5:11-12 “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy.”
2) Đức Chúa Trời phán hãy nhịn nhục.
I Côrinhtô 4:11-13 “Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần mình, bị người ta vả trên mặt, lưu lạc rày đây mai đó. Chúng tôi dùng chính tay mình làm việc khó nhọc; khi bị rủa sả, chúng tôi chúc phước; khi bị bắt bớ, chúng tôi nhịn nhục; khi bị vu oan, chúng tôi khuyên dỗ; chúng tôi giống như rác rến của thế gian, cặn bã của loài người, cho đến ngày nay.”
3) Đức Chúa Trời phán đừng hổ thẹn, mà hãy ngợi khen Ðức Chúa Trời.
I Phierơ 4:16 “Nhưng nếu có ai vì làm tín đồ Ðấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn; thà hãy vì danh ấy ngợi khen Ðức Chúa Trời là hơn.”
4) Đức Chúa Trời phán hãy cầu nguyện cho kẻ bắt bớ.
Mathiơ 5:44 “Cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.”
5) Đức Chúa Trời phán chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ.
Khải Huyền 2:10 “Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ.”
3. Lời hứa hẹn dành cho các thánh đồ thắng sự hoạn nạn và bắt bớ
1) Đức Chúa Trời đã hứa rằng Nước Thiên Ðàng là của chúng ta.
Mathiơ 5:10 “Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!”
2) Đức Chúa Trời đã hứa rằng chúng ta sẽ được nhận phần thưởng lớn ở trên trời.
Mathiơ 5:12 “Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy.”
3) Đức Chúa Trời đã hứa rằng sẽ cho chúng ta được nghỉ ngơi.
II Têsalônica 1:6-7 “Vả theo sự công bình Ðức Chúa Trời… và cho anh em, là kẻ chịu khổ, được nghỉ ngơi với chúng tôi.”
4) Đức Chúa Trời đã hứa rằng sẽ cho chúng ta được dự phần vào sự vinh hiển cùng Ðấng Christ.
Rôma 8:17 “Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: Kẻ kế tự Ðức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Ðấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài.”
5) Đức Chúa Trời đã hứa rằng sẽ ban cho chúng ta mão triều thiên của sự sống.
Khải Huyền 2:10 “Các ngươi sẽ bị hoạn nạn trong mười ngày. Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mão triều thiên của sự sống.”
4. Những nhân vật Kinh Thánh thắng được sự hoạn nạn và bắt bớ
1) Sứ đồ Phaolô
Sứ đồ Phaolô không những sẵn lòng để bị trói, mà còn sẵn lòng chịu chết vì danh Ðức Chúa Jêsus nữa, đã năm lần bị người Giuđa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu mà ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần người đi đường, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối; chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ. Mặc dù chịu khổ hoạn nạn như vậy, nhưng Phaolô lại nói rằng “Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội Thánh (II Côrinhtô 11:28).” Dầu trong hoạn nạn và bắt bớ, nhưng sứ đồ Phaolô không ngừng truyền đạo Tin Lành của Ðấng Christ, nên người đã được sống cuộc đời thắng lợi.
2) Giêrêmi
Giêrêmi còn được gọi là “đấng tiên tri nước mắt” và “đấng tiên tri cô đơn” nữa. Giêrêmi là con trai của Hinhkia – một trong các thầy tế lễ ở Anatốt, được nhận sứ mạng làm đấng tiên tri khi 20 tuổi – vào năm thứ 13 đời vua Giôsia. Hơn 40 năm, trong sự chống lại và bắt bớ, Giêrêmi tuyên bố sự xét đoán sắp đến của Ðức Chúa Trời đối với Giuđa – nước đã bội nghịch Ðức Chúa Trời.
Thời kỳ mà thầy tế lễ trẻ Giêrêmi nhận sứ mạng làm đấng tiên tri là thời đại tối tăm nhất trong cả lịch sử Ysơraên. Thông điệp Giêrêmi tuyên bố không phải là tin tức về sự cứu rỗi, mà là tuyên bố xét đoán. Ðức Chúa Trời không ngừng sai đấng tiên tri của Ngài đến để hầu cho dân Ysơraên hối cải, nhưng họ chẳng muốn nghe lời của Ðức Chúa Trời cho đến cuối cùng. Giuđa – nước bội nghịch Ðức Chúa Trời, không thể tránh khỏi sự xét đoán đã được tiên tri trước. Bấy giờ, nước Babylôn sắp chinh phục Giuđa, nên sẽ là khôn ngoan nếu người dân hàng phục để bảo tồn sự sống. Tuy nhiên, thông điệp ấy bị bọn chủ nghĩa bảo thủ quốc gia cực đoan lập tức chối bỏ, Giêrêmi bị quy tội là kẻ bội, kẻ can thiệp. Vua, quý tộc và cả người dân cũng đe dọa sinh mạng Giêrêmi. Trong những bọn bắt bớ Giêrêmi, nhất là những kẻ cùng quê với Giêrêmi – là người Anatốt lại bắt bớ người hơn hết. Giêrêmi đã khổ sở biết bao đến nỗi nói rằng “Tôi sẽ chẳng nói đến Ngài (Ðức Giêhôva) nữa, tôi sẽ chẳng nhân danh Ngài mà nói nữa.”(Giêrêmi 20:9)? Tuy nhiên, mỗi khi ấy lòng Giêrêmi lại như lửa đốt cháy, bọc kín trong xương và mệt mỏi vì chịu nín lặng, người không chịu được nữa. Vậy, mặc dù Giêrêmi bị nghe những lời chế nhạo của lắm kẻ, bị kinh hãi mọi bề nhưng cứ đảm nhận sứ mạng mà Ðức Chúa Trời giao phó cho mình bởi lòng đức tin một cách thành tâm, thực hiện trọn vẹn cho đến cuối cùng.
3) Các thánh đồ thời đại Hội Thánh Sơ Khai
Nhiều hoàng đế La Mã như Nero bạo chúa, Domitian, đã bắt bớ nhiều Cơ Ðốc nhân để đàn áp Cơ Ðốc giáo. Tuy nhiên, giống như cây một dược càng nứt càng tỏa ra hương thơm của nó, các Cơ Ðốc nhân càng bị bắt bớ thì mùi hương Tin Lành của Ðấng Christ lại càng lan ra cả thế giới. Dầu khi họ bị hành hình nhưng cũng không van xin được tha, có người chịu nhạo cười, roi vọt, xiềng xích lao tù. Họ bị ném đá, bị cưa xẻ làm hại, bị giết bằng lưỡi gươm. Họ lưu lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên, da dê, bị thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp, bị ngược đãi, thế gian không xứng đáng cho họ ở. Họ phải lưu lạc trong đồng vắng, trên núi, trong hang, trong những hầm dưới đất để giữ đức tin và rao truyền Tin Lành của Nước Thiên Ðàng.
4) Các sứ đồ
Vào thời đại mà giáo Giuđa có thế lực lớn như thế, thật khó để hầu cho người dân nhận biết danh của Đức Chúa Jêsus mà vốn chỉ được biết đến như là một người thợ mộc.
Tuy nhiên, các sứ đồ đầy dẫy Thánh Linh đã dạn dĩ chứng minh rằng Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Christ, là Đấng Mêsi và rao giảng Tin Lành. Ðiều này thật không vừa lòng dưới con mắt của những lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, bởi vì họ tưởng rằng Ðức Giêhôva là Ðức Chúa Trời duy nhất. Giáo Giuđa ra từ thói quen và truyền thống cổ hủ của họ, xem tôn giáo mà tin Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Mêsi là đạo mới. Cho nên, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã bắt, đánh đập và bỏ tù các sứ đồ, truyền lệnh cấm họ không được nói tên Jêsus (Công Vụ Các Sứ Ðồ 4:1-37).
Tuy nhiên, các sứ đồ lại vui mừng vì mình được kể ra là người xứng đáng chịu khổ bởi danh Ngài và cống hiến đời mình để truyền Tin Lành. Kết quả là, nhiều người hối cải và được cứu khỏi tội lỗi. Tinh thần hy sinh cao cả của các sứ đồ là tấm gương quý giá cho chúng ta ngày nay. Cuộc đời của các sứ đồ là một bài học thiết thực dạy chúng ta không được quay lưng với lời giảng Tin Lành dầu trong khi bị bắt bớ hay hoạn nạn giống như các sứ đồ; và cũng dạy chúng ta rằng sự bắt bớ trong việc truyền đạo Tin Lành là một phước lành linh hồn.