Ðối với người dân Ysơraên, thì có bảy lễ trọng thể tôn giáo theo mạng lịnh của Ðức Chúa Trời.
1) Lễ Vượt Qua 2) Lễ Bánh Không Men
3) Lễ Trái Ðầu Mùa 4) Lễ Bảy Tuần Lễ
5) Lễ Kèn Thổi 6) Lễ Chuộc Tội
7) Lễ Lều Tạm
Những lễ trọng thể này có đặc tính đặc biệt là được lập ra theo mạng lịnh của Ðức Chúa Trời. Các lễ trọng thể ấy là cái thuộc tính thực tiễn, có liên quan đến việc thờ phượng, tán dương, cảm tạ lên Ðức Chúa Trời, và về sự chuộc tội. Ấy cũng mang tính chất tiên tri về lịch sử cứu chuộc của Ðức Chúa Trời, với tư cách là hình bóng. Bảy lễ trọng thể này được phân chia thành ba nhóm (tức là 3 kỳ), trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký thì chỉ được chép 3 tên gọi của 3 kỳ lễ là Lễ Bánh Không Men, Lễ Bảy Tuần Lễ, Lễ Lều Tạm, chứ không được chép hết 7 lễ trọng thể (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:16).
Vậy thì, vì sao trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký không được chép 7 lễ trọng thể ấy mà lại chỉ được chép 3 tên gọi của 3 kỳ trọng thể thôi? Ấy là vì khi 7 lễ trọng thể được phân chia thì thành 3 nhóm (tức là 3 kỳ), và mỗi nhóm tức là mỗi kỳ có một lễ trọng thể đại biểu cho kỳ trọng thể ấy. Và theo tên mỗi đại biểu của kỳ trọng thể, 7 lễ trọng thể được gọi bằng 3 kỳ trọng thể. 7 lễ trọng thể trong 3 kỳ được tổ chức như sau: Kỳ thứ nhất được tổ chức bằng Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men; kỳ thứ nhì được tổ chức bằng Lễ Trái Ðầu Mùa và Lễ Bảy Tuần Lễ; kỳ thứ ba được tổ chức bằng Lễ Kèn Thổi, Lễ Chuộc Tội và Lễ Lều Tạm. Mặc dù ở Phục Truyền Luật Lệ Ký chỉ được chép 3 kỳ trọng thể thôi nhưng trong 3 kỳ trọng thể ấy bao hàm cả 7 lễ trọng thể nữa. Cho nên chúng ta gọi đó là 7 lễ trọng thể của 3 kỳ. Ngoài ra, còn có Lễ Phurim, Lễ Khánh Thành – lễ không thuộc trong luật pháp của Môise nữa.
1. Khái quát của các lễ trọng thể
1) Lễ Vượt Qua
(1) Ngày tháng: Vào lối chiều tối, ngày 14 tháng 1 (Nisan)
(2) Khởi nguyên: Giải phóng khỏi Êdíptô.
(3) Lời hứa: Sự tha tội, sự sống đời đời, vượt qua tai vạ, xét đoán các thần khác, ấn của Ðức Chúa Trời
(4) Ứng nghiệm lời tiên tri: Bởi Môise mà người dân Ysơraên được giải phóng khỏi Êdíptô nhằm ngày Lễ Vượt Qua. Việc này biểu tượng cho việc bởi Ðức Chúa Jêsus Christ mà chúng ta được giải phóng khỏi thế gian đầy dẫy tội ác. Nhằm ngày Lễ Vượt Qua, Ðức Chúa Jêsus chúc phước cho chúng ta bằng bánh và rượu nho và lập ra giao ước mới.
2) Lễ Bánh Không Men
(1) Ngày tháng: Ngày 15 tháng 1 (Nisan)
(2) Khởi nguyên: Sự hoạn nạn người dân Ysơraên đã chịu từ khi bởi Môise mà khởi hành từ Ramse vào ngày 15 tháng 1 cho đến khi đi qua Biển Ðỏ. Bấy giờ, người dân Ysơraên bị tiến thoái lưỡng nan – Biển Ðỏ ngăn đứng trước mặt, quân đội Êdíptô đuổi theo sau. Nên Ðức Chúa Trời dẫn dắt họ bởi trụ mây và trụ lửa, họ được đi qua Biển Ðỏ như đi trên đất cạn khô.
(3) Lời hứa: Được trọn vẹn thông qua sự hoạn nạn. Đức Chúa Trời phán rằng người chịu khổ nạn vì Đấng Christ thì được đi vào Nước Thiên Đàng (Mathiơ 5:10).
(4) Ứng nghiệm lời tiên tri: Trong lễ trọng thể này, người dân ăn bánh không men và rau đắng để nhớ sự hoạn nạn đã chịu đựng của mình, từ khi một ngày sau Lễ Vượt Qua cho đến ngày ra khỏi Biển Ðỏ. Lễ trọng thể này được ứng nghiệm bởi sự hoạn nạn của Ðức Chúa Jêsus; vào một ngày sau Lễ Vượt Qua, trong 6 tiếng đồng hồ – từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, Ðức Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá thay thế cho tội lỗi của chúng ta. Vào thời đại Cựu Ước, người dân nhớ sự hoạn nạn bằng cách ăn bánh không men mà giữ lễ này; ở thời đại Tân Ước, người dân của Ngài dự phần chung vào khổ nạn của Ðấng Christ bằng việc kiêng ăn (Mác 2:20).
3) Lễ Trái Ðầu Mùa
(1) Ngày tháng: Ngày hôm sau ngày Sabát đến đầu tiên (Chủ nhật đến đầu tiên) sau khi giữ Lễ Bánh Không Men
(2) Khởi nguyên: Ra khỏi Biển Ðỏ, mọi kẻ ác đuổi theo bị toàn diệt
(3) Lời hứa: Sự phục sinh
(4) Ứng nghiệm lời tiên tri: Việc người dân Ysơraên đi xuống Biển Ðỏ do Môise dẫn dắt, biểu tượng cho sự Ðức Chúa Jêsus đi xuống mồ mả; việc từ dưới Biển Ðỏ lên trên đất biểu tượng cho sự phục sinh của Ngài từ mồ mả. Giống như người dân đem một bó lúa mì đầu mùa trước mặt Ðức Chúa Trời để dâng tế lễ đưa vẫy vào ngày hôm sau ngày Sabát (tức là vào Chủ nhật), Ðức Chúa Jêsus cũng phục sinh vào Chủ nhật, một ngày sau ngày Sabát, với tư cách là Trái Ðầu Mùa.
4) Lễ Bảy Tuần Lễ
(1) Ngày tháng: Ngày thứ 50 kể từ Lễ Trái Ðầu Mùa
(2) Khởi nguyên: Ngày Môise đi lên núi Sinai để nhận lấy hai bảng đá Mười Ðiều Răn lần thứ nhất
(3) Lời hứa: Thánh Linh mưa đầu mùa
(4) Ứng nghiệm lời tiên tri: Ðức Chúa Jêsus đổ xuống Thánh Linh vào Lễ Ngũ Tuần, là ngày thứ 50 kể từ ngày Ngài phục sinh, nên Hội Thánh Sơ Khai đã được thịnh vượng nhờ đó.
Môise nhận lấy hai bảng đá Mười Điều Răn lần thứ nhất rồi xuống núi, thấy người dân thờ lạy hình tượng, thì ông đã ném hai bảng đá Mười Ðiều Răn xuống chân núi mà làm bể; giống như vậy, Thánh Linh đã được đổ xuống sung mãn vào Lễ Ngũ Tuần bị rút lại bởi vì hội thánh bị thế tục hóa.
5) Lễ Kèn Thổi
(1) Ngày tháng: Ngày 1 tháng 7 (Tháng Ethanim)
(2) Ứng nghiệm lời tiên tri: Giống như người dân Ysơraên thổi kèn để tuyên báo Đại Lễ Chuộc Tội, lời tiên tri được ứng nghiệm bởi phong trào Chúa Tái Lâm trong vòng 10 năm của William Miller.
6) (Ðại) Lễ Chuộc Tội
(1) Ngày tháng: Ngày 10 tháng 7 (Tháng Ethanim)
(2) Khởi nguyên: Môise làm bể hai bảng đá Mười Ðiều Răn đã được nhận lần thứ nhất vì người dân phạm tội thờ lạy con bò vàng mà nghịch Ðức Chúa Trời. Sau đó, người dân Ysơraên thú tội và hối cải sự phạm tội của họ nên Ðức Chúa Trời lại tha tội và phán Môise lên núi Sinai lần nữa. Theo lời của Ngài, Môise đi lên núi Sinai để nhận lấy hai bảng đá Mười Ðiều Răn lần thứ hai rồi trở về xuống núi. Ngày trở về xuống núi sau khi nhận lấy hai bảng đá Mười Ðiều Răn lần thứ hai chính là Lễ Chuộc Tội.
(3) Lời hứa: Tha tội
(4) Ứng nghiệm lời tiên tri: Vào ngày này, cử hành nghi thức thả con dê Axasên – con dê mang mọi tội lỗi của người dân trên nó, ra nơi đồng vắng; con dê Axasên biểu tượng cho ma quỉ Satan, nên trong nghi lễ của Lễ Chuộc Tội ẩn chứa một điều rằng ma quỉ sẽ mang hết tội lỗi của người dân và bị đau đớn đời đời trong vực sâu (nơi được ví với đồng vắng), rồi sẽ bị chết mất. Giống như được nhận lại hai bảng đá Mười Ðiều Răn lần thứ hai vào Lễ Chuộc Tội; thì cửa ân huệ trên trời bắt đầu được mở ra, nghĩa là lẽ thật mà đã bị quăng xuống đất vào thời Sơ Lâm, bắt đầu được khôi phục lại nhằm ngày 22 tháng 10 năm 1844 (ngày Đại Lễ Chuộc Tội).
7) Lễ Lều Tạm
(1) Ngày tháng: Ngày 15-22 tháng 7 (Tháng Ethanim)
(2) Khởi nguyên: Sau khi từ núi Sinai trở xuống nơi dân sự nhằm ngày 10 tháng 7 Thánh Lịch, Môise truyền cho người dân Ysơraên ý định và mạng lịnh của Ðức Chúa Trời. Người dân được truyền lời, mang theo các vật liệu đến đỗi dư dật cho việc dựng nên đền tạm.
(3) Lời hứa: Truyền đạo để hoàn thành Giêrusalem trên trời, Thánh Linh mưa cuối mùa (Giăng 7:37)
(4) Ứng nghiệm lời tiên tri: Giống như người dân Ysơraên mang đến cho Môise các lễ vật để dựng nên đền tạm đến đỗi dư dật, lễ này được ứng nghiệm trọn vẹn bởi việc truyền đạo cuối cùng để nhóm hiệp 144.000 thánh đồ – những người được ví với các vật liệu cuối cùng để dựng nên Giêrusalem trên trời (Khải Huyền 3:12).
2. Lễ Tiệc Thánh Lễ Vượt Qua
Lịch sử của người dân Ysơraên đầy chiến thắng bởi sự khắc phục gian nan và bắt bớ. Ở phía sau lịch sử chiến thắng này luôn luôn có sự bảo hộ của Ðức Chúa Trời và Lễ Vượt Qua của Ngài nữa. Chính nhằm ngày Lễ Vượt Qua này, người dân Ysơraên được giải phóng khỏi Êdíptô, là nơi họ làm nô lệ trong vòng 430 năm. Họ cũng thắng trận đấu tại thành Giêricô nhờ động cơ căn bản là Lễ Vượt Qua. Nhằm Lễ Vượt Qua này, Ðức Chúa Jêsus cũng tuyên bố giao ước mới để cứu chuộc loài người nữa.
Vậy, trong mọi thời kỳ lịch sử lớn lao của sự nghiệp Tin Lành được trọn vẹn, Lễ Vượt Qua cứ xuất hiện; và ấy là chứng cớ rằng Lễ Vượt Qua là ngày thánh chứa đựng sự sắp đặt linh nghiệm của Ðức Chúa Trời. Kinh Thánh phán mạng lịnh chúng ta phải giữ Lễ Vượt Qua vào buổi chiều tối của ngày 14 tháng 1 – tháng Nisan hay cũng được gọi là tháng Abíp (Lêvi Ký 23:5).
1) Khởi nguyên của Lễ Vượt Qua
Ðức Chúa Trời đã sai đấng tiên tri Môise đến xứ Êdíptô để cứu rỗi người dân Ysơraên đang làm nô lệ trong 430 năm. Đấng tiên tri Môise yêu cầu mạnh mẽ Pharaôn, vua Êdíptô, phải giải phóng cho người dân Ysơraên. Nhưng Pharaôn từ chối yêu cầu của Môise. Cho nên Ðức Chúa Trời lần lượt giáng 10 tai vạ xuống người Êdíptô.
Nhưng Pharaôn cứ cứng cỏi không chịu giải phóng dân Ysơraên, và cuối cùng con trai đầu lòng của Pharaôn bị chết mất trong cơn tai vạ thứ mười – tai vạ giết hết thảy mọi con đầu lòng của loài người và súc vật. Trong cả xứ Êdíptô có tiếng kêu la inh ỏi. Nhưng mọi nhà Ysơraên lấy huyết của chiên con Lễ Vượt Qua bôi trên nhà theo lời phán của Ðức Chúa Trời, thì chẳng bị tai vạ nào đến, nghĩa là chẳng có một người nào bị giết chết. Bởi vì thiên sứ hủy diệt xem thấy dấu huyết Lễ Vượt Qua thì chẳng đến gần mà vượt qua họ. Pharaôn biết được mình không có sức để bắt người dân Ysơraên ở lại nữa, nên thả cho đi tự do. Vậy, người dân Ysơraên đã mong mỏi được giải phóng tự do lâu đời, bước ra khỏi Êdíptô để đi đến xứ Canaan trong sự vui mừng của tự do và giải phóng (Xuất Êdíptô Ký 12:1-37).
2) Nghi thức của Lễ Vượt Qua
Xuất Êdíptô Ký 12:5-10 “Các ngươi hãy bắt hoặc trong bầy chiên (chiên Lễ Vượt Qua), hoặc trong bầy dê, chiên con đực hay là dê con đực, tuổi giáp niên, chẳng tì vít chi, đoạn để dành cho đến ngày mười bốn tháng nầy; rồi cả hội chúng Ysơraên sẽ giết nó, vào lối chiều tối. Họ sẽ lấy huyết đem bôi trên hai cây cột và mày cửa của nhà nào ăn thịt chiên con đó. Ðêm ấy họ sẽ ăn thịt chiên quay với bánh không men và rau đắng. Chớ ăn thịt nửa chín nửa sống hay là luộc trong nước, nhưng phải quay trên lửa cả và đầu, giò, với bộ lòng. Các ngươi chớ để chi còn lại đến sáng mai; nếu còn lại, hãy thiêu đi.”
Không một cái xương nào của chiên con Lễ Vượt Qua bị gãy được, và điều này cũng được ứng nghiệm bởi Ðức Chúa Jêsus – Chiên Con Lễ Vượt Qua (I Côrinhtô 5:7). Khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, bên tả và bên hữu Ngài cũng có hai tên trộm cướp bị treo trên thập tự giá nữa. Hai tên trộm cướp đều bị đánh gãy xương chân mà chết, nhưng không một xương nào của Đức Chúa Jêsus bị gãy, mà Ngài chỉ bị giáo đâm ngang sườn thôi. Điều này xảy ra để làm ứng nghiệm lời tiên tri phán rằng chẳng nên bẻ gãy những xương của chiên Lễ Vượt Qua (Dân Số Ký 9:12, Giăng 19:33-36).
3) Ứng nghiệm lời tiên tri của Lễ Vượt Qua
Lịch sử 40 năm ở nơi đồng vắng của người dân Ysơraên trước khi đi vào xứ Canaan, là sự bày tỏ ra những việc sẽ xảy ra ở thời đại Tin Lành trong 2000 năm. Lễ Vượt Qua mà người dân Ysơraên giữ ngay trước khi ra khỏi Êdíptô để được giải phóng khỏi nhà nô lệ, là hình bóng của việc thật rằng Ðức Chúa Jêsus giữ Lễ Vượt Qua cùng với môn đồ của Ngài để giải phóng cho chúng ta được tự do từ sự tôi mọi của tội lỗi.
Lễ Vượt Qua mà người dân Ysơraên giữ vào năm thứ hai ở đồng vắng Sinai (Dân Số Ký 9:1-14) là hình bóng của việc thật rằng các sứ đồ giữ Lễ Vượt Qua giao ước mới sau khi Ðức Chúa Jêsus thăng thiên. Lễ Vượt Qua mà người dân Ysơraên giữ vào năm thứ 40 tại đồng vắng Ghinhganh – nơi đối diện đồng bằng Giêricô, ngay trước khi đi vào xứ Canaan, là hình bóng của việc thật rằng các con cái sót lại giữ Lễ Vượt Qua như là sự chuẩn bị để đi vào xứ Canaan trên trời vào những ngày sau rốt của thời đại Tin Lành.
Cho nên, Lễ Vượt Qua giữ tại xứ Êdíptô, bởi Môise mà đã dẫn dắt người dân Ysơraên phần xác đi ra đồng vắng, và ấy là gương soi cho việc tương lai rằng Ðức Chúa Jêsus cùng các môn đồ giữ Lễ Vượt Qua cuối cùng, và gánh vác thập tự giá để dẫn dắt người dân Ysơraên phần linh hồn đi ra đồng vắng đức tin.
3. Lễ Bánh Không Men
Lễ Bánh Không Men là lễ trọng thể biểu tượng cho khổ nạn thập tự giá của Ðấng Christ, được giữ nhằm ngày 15 tháng 1 Thánh Lịch (Lêvi Ký 23:6).
1) Khởi nguyên của Lễ Bánh Không Men
Khởi nguyên của Lễ Bánh Không Men là khổ nạn của người dân Ysơraên từ khi ra khỏi Êdíptô sau đêm Lễ Vượt Qua, đi ngang qua Biển Ðỏ cho đến khi lên khỏi Biển Ðỏ. Bấy giờ, Pharaôn – vua Êdíptô, đã thả cho người dân Ysơraên đi tự do, nhưng đổi lòng ngay và triệu tập 600 xe, lính kỵ, cùng đoàn binh của mình mà đuổi theo, để bắt họ trở về Êdíptô lại. Bởi vì kỵ binh Êdíptô theo sau gần đến, người dân Ysơraên bị hãi hùng mà kêu la Ðức Chúa Trời, và nói phàn nàn với Môise. Trong tình huống đó, bởi cây gậy của Môise, Ðức Chúa Trời đã phân rẽ Biển Ðỏ làm cho biển bày ra phần đất khô, hầu cho dân Ysơraên đi ngang Biển Ðỏ vô sự như trên đất cạn. Chỉ tính nam đinh đã là sáu trăm ngàn, lại tính thêm đàn bà và trẻ em thì nhiều biết bao? Tuy nhiên, Ðức Chúa Trời phân rẽ người dân Ysơraên và quân lính Êdíptô bởi trụ lửa và trụ mây để khiến quân lính đuổi theo chậm trễ. Chúng ta dễ đoán được người Ysơraên trong tình huống đó bị vội vàng và hoảng sợ thay! Sự khó khăn và hoạn nạn trong tình huống ấy chính là khởi nguyên của Lễ Bánh Không Men (Xuất Êdíptô Ký 14:1-31).
2) Nghi thức của Lễ Bánh Không Men
Vào thời đại Cựu Ước, Ðức Chúa Trời buộc người dân phải ăn bánh không men và rau đắng để cho họ luôn nhớ sự hoạn nạn; cho nên bánh không men còn được gọi là bánh hoạn nạn (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:3). Những việc này là lời tiên tri được ứng nghiệm bởi sự Ðức Chúa Jêsus chịu đựng khổ nạn khi bị treo lên trên thập tự giá. Ở thời đại Tân Ước, chúng ta nên kiêng ăn để dự phần chung vào khổ nạn của Đấng Christ, theo lời phán của Ðức Chúa Trời.
Mác 2:20 “Song tới kỳ chàng rể phải đem đi khỏi họ, trong ngày đó họ sẽ kiêng ăn.”
3) Lời tiên tri và ứng nghiệm lời tiên tri của Lễ Bánh Không Men
Lễ Bánh Không Men là lễ trọng thể về sự hoạn nạn, lễ biểu tượng cho khổ nạn thập tự giá của Ðấng Christ. Việc người dân Ysơraên đi xuống Biển Ðỏ biểu tượng cho việc Ðức Chúa Jêsus đi xuống mồ mả; việc ra khỏi Biển Ðỏ biểu tượng cho việc Ngài phục sinh; và bây giờ, bằng phép Báptêm chúng ta bày tỏ ra ý nghĩa ấy. Môise đã dẫn dắt người dân Ysơraên phần xác thịt ra ngoài đồng vắng Sinai nhằm Lễ Bánh Không Men, còn Ðức Chúa Jêsus vác thập tự giá mà dẫn dắt người dân Ysơraên phần linh hồn từ đất tội ác này (được biểu tượng bởi Êdíptô) đi ra ngoài đồng vắng đức tin.
Bất cứ người nào tin và chịu phép Báptêm, thì là người ra khỏi Biển Ðỏ và đi vào đồng vắng đức tin. Sở dĩ chúng ta phải giữ Lễ Bánh Không Men là để dự phần vào khổ nạn thập tự giá của Ðấng Christ, vì thế, chúng ta được nếm thử trước hoạn nạn sẽ phải chịu đựng, và Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta năng lực có thể chịu đựng được sự hoạn nạn và gian nan (Luca 22:43-44).
4. Lễ Trái Ðầu Mùa
Lễ Phục Sinh mà vào ngày đó Ðức Chúa Jêsus sống lại từ cõi chết, là ngày kỷ niệm quyền năng lớn lao của Ðức Chúa Trời. Ngày này cũng được gọi là Lễ Trái Ðầu Mùa vào thời đại xưa. Ngày này là lễ trọng thể của Ðức Chúa Trời chí thánh, được kỷ niệm vào ngày hôm sau ngày Sabát đến đầu tiên (Chủ nhật) sau khi giữ Lễ Bánh Không Men (Lêvi Ký 23:9-14).
1) Khởi nguyên của Lễ Trái Ðầu Mùa
Dân Ysơraên được đi qua Biển Ðỏ an toàn dưới sự bảo hộ của Ðức Chúa Trời, tuy đã bị hãi hùng bởi vì lính kỵ của Êdíptô đuổi theo họ. Nhưng ngựa xe và quân lính của Êdíptô săn theo họ thì bị nước biển lấp chôn, bởi vì biển phân rẽ hai bên đã trở lui lại bình thường. Ðức Chúa Trời phán dặn họ rằng mỗi năm phải kỷ niệm ngày lên đất liền từ dưới Biển Ðỏ để họ nhớ ngày quyền năng đáng ngạc nhiên này; ấy là khởi nguyên của Lễ Trái Ðầu Mùa (Xuất Êdíptô Ký 14:26-31).
2) Nghi thức của Lễ Trái Ðầu Mùa
“Lễ Trái Ðầu Mùa” – tên của lễ này nói cho chúng ta biết ý nghĩa của lễ này. Vào ngày hôm sau ngày Sabát (tức là vào Chủ nhật), người dân đem một bó lúa mì đầu mùa đến thầy tế lễ, thì thầy tế lễ đưa vẫy bó lúa mì ấy trước mặt Ðức Chúa Trời để được nhậm (Lêvi Ký 23:9-11).
Ðến thời đại Tân Ước, nhằm ngày này Ðức Chúa Jêsus tạ ơn và ban bánh cho hai môn đồ đang trên đường đi đến làng Emmaút, và nhờ đó, mắt linh hồn của hai môn đồ được mở ra và nhận ra Ðức Chúa Jêsus (Luca 24:13-35).
3) Lời tiên tri và ứng nghiệm lời tiên tri của Lễ Trái Ðầu Mùa
Ðức Chúa Trời phán dặn thầy tế lễ đưa vẫy bó lúa đầu mùa trước Ðức Giêhôva để được nhậm vào ngày hôm sau ngày Sabát (tức là vào Chủ nhật).
Lêvi Ký 23:10-12 “Hãy truyền cho dân Ysơraên rằng: Khi nào các ngươi đã vào xứ mà ta sẽ ban cho, và đã gặt mùa màng rồi, thì hãy đem đến cho thầy tế lễ một bó lúa đầu mùa của các ngươi. Qua ngày sau lễ sabát, thầy tế lễ sẽ dâng bó lúa đưa qua đưa lại trước mặt Ðức Giêhôva, hầu cho bó lúa đó được nhậm.”
“Một bó lúa đầu mùa” ở trên biểu tượng cho Ðấng Christ. Ðấng Christ đã được biểu tượng bằng “một bó lúa đầu mùa”, lại từ kẻ chết sống lại với tư cách là “Trái Ðầu Mùa” của những kẻ chết.
I Côrinhtô 15:20 “Nhưng bây giờ, Ðấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.”
Của lễ chay được đưa vẫy – một bó lúa đầu mùa, được dâng lên Ðức Chúa Trời nhằm ngày hôm sau ngày Sabát (tức là nhằm Chủ nhật), và trái đầu mùa ấy biểu tượng cho Ðấng Christ. Cho nên, Lễ Phục Sinh mà Ðức Chúa Jêsus sống lại, phải được xảy ra nhằm Chủ nhật (ngày hôm sau ngày Sabát).
Mác 16:2-6 “Ngày thứ nhứt trong tuần lễ (Chủ nhật), sáng sớm, mặt trời mới mọc, ba người đến nơi mộ, nói cùng nhau rằng: Ai sẽ lăn hòn đá lấp cửa mộ ra cho chúng ta? Khi ngó xem, thấy hòn đá đã lăn ra rồi; vả, hòn đá lớn lắm. Ðoạn, họ vào nơi mộ, thấy một người trẻ tuổi ngồi bên hữu, mặc áo dài trắng, thì thất kinh. Song người nói cùng họ rằng: Ðừng sợ chi, các ngươi tìm Ðức Chúa Jêsus Naxarét, là Ðấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây.”
Lễ Trái Ðầu Mùa là hình bóng của Lễ Phục Sinh; giống như Lễ Trái Ðầu Mùa được kỷ niệm vào Chủ nhật, là ngày hôm sau ngày Sabát thì Lễ Phục Sinh cũng phải được kỷ niệm vào Chủ nhật để lời tiên tri được ứng nghiệm trọn vẹn. Vậy nên, Lễ Trái Ðầu Mùa, tức là Lễ Phục Sinh được cử hành hàng năm vào Chủ nhật. Bởi sự sống lại với tư cách là Trái Ðầu Mùa của những kẻ chết, Ðức Chúa Jêsus trở thành Của Lễ Thật của Lễ Trái Ðầu Mùa – một lễ thuộc về bảy lễ trọng thể của ba kỳ – các lễ được lập ra đời đời của Ðức Chúa Trời.
Mathiơ 27:52-53 “Mồ mả mở ra, và nhiều thây của các thánh qua đời được sống lại. Sau khi Ðức Chúa Jêsus đã sống lại, các thánh đó ra khỏi mồ mả, đi vào thành thánh, và hiện ra cho nhiều người thấy.”
Các thánh đồ đã được cứu rỗi bởi Tin Lành bấy giờ, trở thành thóc lúa chín muồi của mùa gặt mạch nha, và đến ngày nay, các thánh đồ được cứu rỗi trở thành thóc lúa chín muồi của mùa gặt cuối cùng của mùa thu (Xuất Êdíptô Ký 23:16).
5. Lễ Bảy Tuần Lễ
Lễ Bảy Tuần Lễ cũng được gọi là “Lễ Ngũ Tuần” ở thời đại Tân Ước, được giữ nhằm ngày thứ 50 sau Lễ Trái Ðầu Mùa – ngày người dân đem một bó lúa mì đầu mùa đến thầy tế lễ, để dâng lễ đưa vẫy cho Ðức Chúa Trời nhậm. Lý do lễ này có tên gọi là Lễ Bảy Tuần Lễ là vì từ Lễ Trái Ðầu Mùa đến Lễ Ngũ Tuần, có bảy ngày Sabát (Lêvi Ký 23:15-16).
1) Khởi nguyên của Lễ Bảy Tuần Lễ
Vào ngày thứ 40 sau ngày đi qua Biển Ðỏ, Môise đi lên núi Sinai. Tại núi Sinai, Môise nghe mọi lời phán của Ðức Chúa Trời rồi trở xuống, truyền cho dân sự ý định của Ngài. Từ đó mười ngày sau, tức là nhằm ngày thứ 50 từ khi đi qua Biển Ðỏ, Môise lại lên núi Sinai một lần nữa để nhận hai bảng đá Mười Ðiều Răn. Ðức Chúa Trời phán dặn người dân phải kỷ niệm ngày này; ấy là khởi nguyên của Lễ Bảy Tuần Lễ (Xuất Êdíptô Ký 24:1-18).
2) Lời tiên tri và ứng nghiệm lời tiên tri của Lễ Bảy Tuần Lễ
Lễ Bảy Tuần Lễ, tức là Lễ Ngũ Tuần là ngày Thánh Linh giáng lâm, là động cơ lớn cho sự phát triển Tin Lành của Hội Thánh Sơ Khai (Công Vụ Các Sứ Ðồ 2:1-47). Tuy nhiên, luồng nóng nảy của Thánh Linh bị nguội dần, cuối cùng bị rút lại hoàn toàn bởi vì hội thánh bị thế tục hóa. Trong lời tiên tri của lễ trọng thể, điều này thật đã được bày tỏ ra trước: Tức là, sau khi nhận lấy hai bảng đá Mười Ðiều Răn, và từ núi Sinai trở xuống, Môise thấy dân sự thờ lạy tượng con bò vàng, ông giận dữ, ném hai bảng đá Mười Ðiều Răn xuống chân núi, làm bể rồi. Giống như vậy, Thánh Linh mà đã được đổ xuống nhằm Lễ Ngũ Tuần bị rút lại bởi vì hội thánh bị hủ bại và thế tục hóa.
6. Tuần Lễ Cầu Nguyện Lễ Kèn Thổi
Lễ Kèn Thổi là ngày bắt đầu vụ thu hoạch của mùa thu; vào ngày này – ngày 1 tháng 7 Thánh Lịch, dân Ysơraên giữ gìn một lễ nhóm hiệp thánh bằng việc thổi kèn lớn để nhắc nhở và chuẩn bị cho (Ðại) Lễ Chuộc Tội (Lêvi Ký 23:24).
1) Khởi nguyên của Lễ Kèn Thổi
Để hầu cho người dân không quên (Đại) Lễ Chuộc Tội – ngày Môise nhận lấy hai bảng đá Mười Ðiều Răn lần thứ hai và từ núi Sinai trở xuống, và để hầu cho người dân nhận tội lỗi mình một cách thắm thiết mà ăn năn hối cải trọn vẹn, Đức Chúa Trời đã ra lệnh phải thổi kèn 10 ngày trước Đại Lễ Chuộc Tội hằng năm. Người dân ép tâm hồn mình trong 10 ngày để ăn năn hối cải tội lỗi của suốt một năm, tránh xa những điều không thánh sạch để chuẩn bị cho (Đại) Lễ Chuộc Tội một cách chí thánh.
2) Nghi thức của Lễ Kèn Thổi
Thổi kèn mà kỷ niệm lễ này cùng dâng của lễ dùng lửa lên Ðức Chúa Trời (Lêvi Ký 23:23-25).
3) Lời tiên tri và ứng nghiệm lời tiên tri của Lễ Kèn Thổi
Mọi việc trong Cựu Ước đều là mô hình và hình bóng của việc tương lai; lễ này cũng là hình bóng của sự tốt lành ngày sau – phong trào Chúa Jêsus Tái Lâm được diễn ra trong vòng 10 năm, từ năm 1834 đến 1844, bởi người dẫn đầu là William Miller. Từ Lễ Kèn Thổi đến Lễ Chuộc Tội là mười ngày, mà theo lời tiên tri thì mười ngày được tính là mười năm (Êxêchiên 4:6) nên đã làm ứng nghiệm lời tiên tri của Lễ Kèn Thổi để chuẩn bị cho Đại Lễ Chuộc Tội vào ngày 10 tháng 7 Thánh Lịch, tức là vào ngày 22 tháng 10 năm 1844, là ngày Ðức Chúa Jêsus đi vào Nơi Rất Thánh trên trời. Vậy, bảy lễ trọng thể của ba kỳ đều được ứng nghiệm lời tiên tri của nó mà không sót một điều nào.
Giống như trong Lễ Kèn Thổi này người dân phải thổi kèn vang dội, phong trào Chúa Tái Lâm dấy lên, và tiếng kêu la truyền đạo của phong trào này vang dội lớn lao như tiếng thổi kèn. Kể từ ngày 1 tháng 7 Thánh Lịch năm 1844, tức là những ngày trước kỳ hạn đã định sắp trọn, các thánh đồ đều đồng lòng cầu nguyện mạnh mẽ và thắm thiết hơn, nên Ðức Chúa Jêsus nhận lời cầu nguyện ấy mà đi vào Nơi Rất Thánh trên trời vào ngày 22 tháng 10 năm 1844 – tức là ngày 10 tháng 7 Thánh Lịch là ngày Ðại Lễ Chuộc Tội. Ðương thời ấy, đã có phong trào Chúa Tái Lâm bởi William Miller dẫn đầu; ấy cũng là việc ý định Ðức Chúa Trời được thực hiện. Nếu chúng ta không hiểu ý định của Ðức Chúa Trời và không làm việc theo ý ấy tuy phải biết đến, thì Ngài làm cho trọn ý định của Ngài một cách kỳ diệu. Ðã được chép rằng:
Luca 19:37-40 “… Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên.”
Cho nên, dù họ không biết ý định của Ðức Chúa Trời mà làm, nhưng thật ra phong trào Chúa Tái Lâm ấy là sự ứng nghiệm của Lễ Kèn Thổi (Lễ Kèn). Vậy, nếu chúng ta đều đồng lòng mà giữ Lễ Kèn Thổi, và từ ngày này cho đến Đại Lễ Chuộc Tội – trong 10 ngày dâng lên cầu nguyện thắm thiết, thì lời cầu nguyện của chúng ta cũng được bay đến trước mặt Ðức Chúa Trời cùng với khói hương của Ðức Chúa Jêsus khi Ngài dâng hương (Khải Huyền 8:3-4), và Ðức Chúa Trời sẽ đáp lời về lời cầu nguyện và ban ân huệ quý báu cho chúng ta.
7. (Ðại) Lễ Chuộc Tội
(Ðại) Lễ Chuộc Tội là ngày 10 tháng 7 Thánh Lịch, nhằm ngày đó mọi tội lỗi của người dân Ysơraên đã phạm trong suốt một năm, đều được tha thứ (Lêvi Ký 23:27).
1) Khởi nguyên của (Ðại) Lễ Chuộc Tội
Sau khi được ra khỏi xứ Êdíptô, trong vòng 40 năm dân Ysơraên phải sống cuộc sống nơi đồng vắng. Ðức Chúa Trời gọi Môise lên núi Sinai để ban cho luật pháp bởi đó mà Môise cai quản người dân đông đúc. Nghe lời gọi của Ðức Chúa Trời, Môise đi lên núi Sinai, và ở đó trong 40 ngày đêm không ăn không uống, rồi cuối cùng nhận lấy hai bảng đá Mười Ðiều Răn được chính Ðức Chúa Trời viết ra, rồi mang hai bảng đá ấy xuống núi. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi Môise, dân sự thấy Môise ở trên núi lâu ngày (40 ngày) mà không trở xuống thì tưởng rằng Môise đã chết. Vậy, dân sự tưởng đã bị mất người dẫn, nên đề nghị làm ra thần tượng dẫn họ đi đến xứ Canaan. Như thế, hình tượng con bò vàng được làm ra và họ thờ lạy nó, ăn, uống, và nhảy múa xung quanh hình tượng đó. Khi Môise trở xuống từ núi Sinai, bị thất kinh và hoảng sợ trước cảnh ấy, giận dữ mà lập tức ném hai bảng đá xuống chân núi làm bể. Môise đốt cháy hình tượng con bò vàng và làm thành bột, rồi trộn với nước mà bắt người dân uống nước đó, trong nội một ngày ấy hơn 3.000 người đã bị giết chết bởi gươm.
Người dân Ysơraên thờ lạy hình tượng phạm tội nghịch Ðức Chúa Trời, hối hận về các hành động của mình nên đã ăn năn hối cải một cách sâu sắc; đối đáp về ăn năn hối cải của họ, Ðức Chúa Trời ban cho Môise hai bảng đá Mười Ðiều Răn lần thứ hai. Sự thật rằng được nhận hai bảng đá Mười Điều Răn mới thay cho hai bảng đá đã bị bể, chứa đựng ý định chuộc tội đầy ân huệ của Ðức Chúa Trời rằng tha tội cho người dân Ysơraên. Ngày mà Môise đã nhận lấy hai bảng đá Mười Ðiều Răn lần thứ hai ấy và từ trên núi trở xuống, chính là (Ðại) Lễ Chuộc Tội mà được kỷ niệm hàng năm (Xuất Êdíptô Ký 32:1-35).
2) Nghi thức của (Ðại) Lễ Chuộc Tội
(1) Con dê Axasên biểu tượng cho ma quỉ Satan
Trong nghi thức Ðại Lễ Chuộc Tội thời Cựu Ước, con bò đực tơ được dùng làm của lễ chuộc tội cho thầy tế lễ, con dê đực được dùng làm của lễ chuộc tội dân chúng. Hai con dê – của lễ của Lễ Chuộc Tội, bị bắt thăm theo hai ý nghĩa khác nhau: Một con thăm về phần Ðức Chúa Trời được dâng lên làm của lễ chuộc tội, còn một con thăm về phần Axasên mà bị thả ra nơi đồng vắng hoang vu và cuối cùng chết mất.
Tội lỗi người dân đã phạm thường ngày được đổ tạm thời trên nơi thánh, rồi thông qua (Đại) Lễ Chuộc Tội, thầy tế lễ đặt tay trên đầu của con dê Axasên, xưng trên nó mọi tội lỗi và sự gian ác của dân sự rồi thả ra đồng vắng mà làm cho nó chết. Ðiều này thật ra bày tỏ rằng tội lỗi chúng ta được chuộc như thế nào. Tức là, mọi tội lỗi chúng ta đã phạm thường ngày được đổ tạm thời trên Ðấng Christ – Ðấng được biểu tượng bởi Nơi Thánh, rồi lại đổ trên Satan là kẻ gây ra mọi tội lỗi thông qua những lễ trọng thể như Lễ Vượt Qua hay Đại Lễ Chuộc Tội. Rồi nó chất mọi tội lỗi của chúng ta, cuối cùng bị hư mất đời đời trong Vực Sâu – đồng vắng hoang vu. Ðức Chúa Trời dạy dỗ chúng ta sự sắp đặt cứu chuộc của Ngài thông qua (Đại) Lễ Chuộc Tội (Lêvi Ký 16:6-22).
(2) Ngày mà mỗi năm một lần chỉ một mình thầy tế lễ thượng phẩm đi vào nơi rất thánh
Hêbơrơ 9:7 “Nhưng, phần thứ hai (nơi rất thánh), thì mỗi năm một lần chỉ một mình thầy tế lễ thượng phẩm vào, chẳng bao giờ mà không đem huyết dâng vì chính mình và vì sự lầm lỗi dân chúng.”
3) Lời tiên tri và ứng nghiệm lời tiên tri của (Đại) Lễ Chuộc Tội
Lời tiên tri trong nghi thức) Tội lỗi dân sự → Bị đổ trên nơi rất thánh → Vào (Đại) Lễ Chuộc Tội, tội lỗi này đổ trên con dê Axasên → Con dê Axasên chất mọi tội lỗi trên nó, bị đau khổ nơi đồng vắng rồi cuối cùng bị chết mất.
Ứng nghiệm lời tiên tri) Tội lỗi của chúng ta → Ðấng Christ gánh vác thay tội lỗi ấy → Vào (Đại) Lễ Chuộc Tội, tội lỗi đổ trên Ðấng Christ lại đổ trên ma quỉ Satan, là kẻ được biểu tượng bởi con dê Axasên → Ma quỉ Satan bị đau khổ trong địa ngục rồi cuối cùng bị hư mất đời đời.
8. Ðại Hội Truyền Ðạo Lễ Lều Tạm
Lễ Lều Tạm là lễ trọng thể cuối cùng của Lễ Mùa Màng, là lễ trọng thể cuối cùng của một năm, được giữ từ ngày 15 tháng 7 đến ngày 22 tháng 7 Thánh Lịch (Lêvi Ký 23:34-36).
1) Khởi nguyên của Lễ Lều Tạm
Từ ngày nhận lấy hai bảng đá Mười Ðiều Răn lần thứ hai và từ núi trở xuống, Môise truyền cho cả dân sự về các lời giao ước của Ðức Chúa Trời và nói cho mọi chi tiết để dựng nên đền tạm (Xuất Êdíptô Ký 34:27-35); rồi, trong vòng 7 ngày kể từ ngày 15 tháng đó, những người có lòng thành dâng lên lễ vật, thì đem các lễ vật nào là vàng hay bạc, nào vải gai mịn hay gỗ v.v… để dựng nên đền tạm đến đỗi dư dật (Xuất Êdíptô Ký 35:4-29, 36:5-7). Ðức Chúa Trời chỉ định 7 ngày ấy được lập ra một lễ trọng thể – Lễ Lều Tạm, để hầu cho dân sự kỷ niệm đời đời việc dâng lễ vật để dựng nên đền tạm ấy. Lễ Lều Tạm này cũng được gọi là Lễ Nhà Tạm nữa.
2) Nghi thức của Lễ Lều Tạm
Mỗi khi người dân Ysơraên giữ Lễ Lều Tạm, họ dựng lên trại; lấy những nhánh tầu lá kè, những nhánh cây sim và nhánh dương liễu làm nhà lều, hay lấy những nhánh ấy trải trên sân đền thánh của Ðức Chúa Trời, hay lợp trên nóc nhà nữa. Và trong bảy ngày họ ở lại tại nhà lều đó mừng rỡ và vui vẻ mà giữ Lễ Lều Tạm rất thánh, và giúp đỡ lẫn nhau (Nêhêmi 8:9-18, Lêvi Ký 23:39-43, Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:11-15, Xachari 14:15-18).
3) Lời tiên tri và ứng nghiệm lời tiên tri của Lễ Lều Tạm
Trong Kinh Thánh, loài người được ví dụ hay biểu tượng bởi cây (Giêrêmi 5:14), các thánh đồ được ví dụ hay biểu tượng bởi vật tư đền thánh (Khải Huyền 3:12). Vậy, những lịch sử ngày xưa, tức là nghi thức Lễ Lều Tạm mà dân Ysơraên làm nhà lều (bằng những nhánh cây hay cỏ) và ở lại trong đó 7 ngày vui mừng; hay bởi Môise mà thu nhóm những lễ vật để dựng nên đền tạm trong 7 ngày và dựng nên đền thánh hoàn thành, đều là lời tiên tri về công việc Tin Lành trên đất này mà sẽ được hoàn thành bởi sự nhóm hiệp thánh của mười bốn vạn bốn ngàn thánh đồ mà được biểu tượng bằng cây cỏ, hay lễ vật để dựng nên đền thánh.
Ngày nay chúng ta mở đại hội truyền đạo trong những ngày lễ trọng thể này, và đặt nền tảng cho phong trào giáng lâm của Ðức Chúa Jêsus bằng cách nhóm hiệp lại các thánh đồ – vật tư đền thánh giống như ngày xưa người dân Ysơraên dâng lên lễ vật đền tạm.
4) Lời hứa về Lễ Lều Tạm
Lễ Lều Tạm là ngày vui mừng được nhận lấy Thánh Linh – năng lực của Ðức Chúa Trời, để nhóm lại mười bốn vạn bốn ngàn thánh đồ, là vật tư đền thánh Giêrusalem trên trời. Đấng tiên tri Xachari nói trước về sự thật này như sau:
Xachari 14:16-19 “Xảy ra hết thảy những kẻ nào còn sót lại trong mọi nước lên đánh Giêrusalem, sẽ lên đó hàng năm đặng thờ lạy trước mặt Vua, là Ðức Giêhôva vạn quân, và giữ Lễ Lều Tạm. Trong những họ hàng trên đất, kẻ nào đã chẳng lên Giêrusalem đặng thờ lạy trước mặt Vua, là Ðức Giêhôva vạn quân, thì sẽ không có mưa trên chúng nó. Nếu họ hàng Êdíptô không lên và không đến đó, thì mưa cũng không xuống trên chúng nó; và chúng nó sẽ bị ôn dịch nầy, là ôn dịch mà Ðức Giêhôva đã dùng phạt các nước không lên giữ Lễ Lều Tạm. Ấy hình phạt của Êdíptô và hình phạt của các nước chẳng lên giữ Lễ Lều Tạm sẽ là như vậy.”
Trong câu trên, được tiên tri rõ ràng rằng đối với kẻ không giữ Lễ Lều Tạm thì Ðức Chúa Trời sẽ không ban mưa (Thánh Linh) xuống; và đối với kẻ không giữ Lễ Lều Tạm thì Ngài cũng sẽ giáng tai vạ và các hình phạt nữa. Dầu vậy, ngày nay có những kẻ không bao giờ giữ Lễ Lều Tạm nhưng lại nói rằng “Chúng tôi đã nhận được Thánh Linh.”, “Chúng tôi đã nhận được phước lành của Ðức Chúa Trời.” Chúng ta phải biết rõ ràng rằng những kẻ ấy nói dối hư vô, và lời của chúng là sự lừa gạt của ma quỉ Satan. Ðức Chúa Trời đã hứa sẽ ban Thánh Linh cho những người giữ Lễ Lều Tạm, và Ðức Chúa Jêsus cũng giải thích ý muốn rõ ràng của Đức Chúa Trời về vấn đề này rồi.
Giăng 7:37-39 “Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ (Lễ Lều Tạm), Ðức Chúa Jêsus ở đó, đứng kêu lên rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh thánh đã chép vậy. Ngài phán điều đó chỉ về Ðức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy.”
Đấng tiên tri Xachari nói rằng kẻ nào không giữ Lễ Lều Tạm sẽ không được ban mưa xuống; Ðức Chúa Jêsus thì giữ Lễ Lều Tạm mà phán rằng hãy nhận lấy Thánh Linh.
Khi so sánh hai câu trên, “mưa” được ban cho vào Lễ Lều Tạm chính là “Thánh Linh” mà Ðức Chúa Trời ban cho vào Lễ Lều Tạm. Vậy, Thánh Linh là ân huệ và là ý định của Ðức Chúa Trời để dành cho những người giữ Lễ Ngũ Tuần, Lễ Lều Tạm. Thế mà có những kẻ không giữ Lễ Lều Tạm lại nói mình đã nhận được Thánh Linh, thì ấy là việc làm của thần nào? Là việc làm của Thánh Linh hay là việc làm của quỉ dữ? Ðức Chúa Trời không bao giờ phán một lời nào hư vô. Ngài đã hứa sẽ ban Thánh Linh cho những người giữ Lễ Lều Tạm thì làm sao Ngài lại ban Thánh Linh cho những kẻ không giữ Lễ Lều Tạm được? Nên đó rõ ràng là việc làm của thần khác chứ không phải việc làm của Đức Chúa Trời.
Ngày xưa, người Pharisi biết trước rằng Ðấng Mêsi đến, nhưng khi Ngài đã đến rồi thì họ lại không nhận lãnh Ngài được. Cũng như vậy, nhiều nhà Kinh Thánh học tuy biết Thánh Linh mưa cuối mùa sẽ được ban xuống, nhưng không hiểu ra được lẽ thật mà nhờ đó nhận lấy Thánh Linh (Giêrêmi 8:7, 3:3).
5) Việc làm của quỉ dữ lấy phép lạ và dấu lạ mà ngụy trang như Thánh Linh
Từ xưa đến nay, chúng ta sống trong một hoàn cảnh bị chi phối bởi các tín ngưỡng dân gian. Ðồng bóng, tiêu biểu nhất của tín ngưỡng dân gian, mê hoặc nhiều người bởi các loại phép lạ, mọi thứ kỳ diệu mà người nhìn thì bỡ ngỡ ngạc nhiên. Dầu họ nhảy múa trên lưỡi gươm sắc lẻm cũng không bị thương, tà thuật của họ không thể lý giải được bởi thường thức của loài người.
Lại ở một làng quê có người đàn bà siêu năng lực, người mắc bệnh chỉ cần nhìn thấy mặt bà ấy thì được khỏi bệnh; còn một người nọ ở Mỹ thì trong giấc mơ mà nói ra rõ ràng bộ phận người ta bị đau, và toa thuốc để được lành lại nữa, khiến nhiều người rất ngạc nhiên. Vậy, liệu có thể giải nghĩa các việc thể này thành duy chỉ việc làm của Thánh Linh hay chăng? Việc làm của những người được liệt kê ở trên đều là các việc mà họ làm ra trong khi không hề tin Đức Chúa Trời mà.
Nào, hãy lắng tai nghe lời cảnh cáo của Kinh Thánh và phân biệt xem những phép lạ và kỳ diệu được xảy ra giữa những kẻ nói rằng mình có đức tin Ðức Chúa Trời mà không giữ Lễ Lều Tạm hay Lễ Ngũ Tuần – điều răn của Ðức Chúa Trời, là việc làm của thần nào vậy?
II Têsalônica 2:9-12 “Kẻ đó sẽ lấy quyền của quỉ Satan mà hiện đến, làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối giả; dùng mọi cách phỉnh dỗ không công bình mà dỗ những kẻ hư mất, vì chúng nó đã không nhận lãnh sự yêu thương của lẽ thật để được cứu rỗi. Ấy vì thế mà Ðức Chúa Trời cho chúng nó mắc phải sự lầm lạc, là sự khiến chúng nó tin điều dối giả, hầu cho hết thảy những người không tin lẽ thật, song chuộng sự không công bình, đều bị phục dưới sự phán xét của Ngài.”
Câu trên nói ra rõ ràng rằng đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối giả không phải là việc làm của Thánh Linh mà là việc làm của quỉ dữ. Hầu như mọi người dễ bị dỗ dành mà đi theo khi xem thấy những dấu dị, phép lạ, bởi vì họ cứ tưởng rằng những sự ấy chắc là việc làm của Thánh Linh. Tuy nhiên, bây giờ là thời đại đáng sợ hãi mà ma quỉ Satan như sư tử rống, đi rình mò chung quanh chúng ta để tìm kiếm người nào nó có thể nuốt tươi được. Vậy mà không xem xét lời Kinh Thánh cũng không phân biệt thần dữ và Thánh Linh, há ném linh hồn mình vào sự chết được sao?
Ra khỏi nước thì con cá không thể tồn tại được nữa. Giống như vậy, Thánh Linh cũng không bao giờ tồn tại được ở nơi không có lẽ thật. Vậy nên, khi làm chứng về Thánh Linh, Ðức Chúa Jêsus gọi Thánh Linh là Thần Lẽ Thật (Giăng 15:26). Chúng ta phải xem xét và phân biệt các lời mình đã nhận là lẽ thật chứa đựng sự cứu rỗi và sự sống đời đời hay không trước khi thử nghiệm việc làm của những loài thần. Ðức Chúa Jêsus phán rằng dầu là kẻ tiên tri như mục sư, trưởng lão, truyền đạo sư v.v… là bậc cấp lãnh đạo rất linh nghiệm về việc kỳ diệu hay dấu phép lạ, nhưng nếu không làm theo lời lẽ thật của Ðức Chúa Trời, thì là kẻ gian ác (kẻ làm trái luật pháp) mà không bao giờ đi vào Nước Thiên Ðàng được. Bằng lời này, Ngài khiến cho chúng ta hiểu ra được rằng chỉ nhờ lẽ thật và điều răn của Ðức Chúa Trời, chúng ta mới đi vào Nước Thiên Ðàng được chứ không phải bởi việc kỳ diệu hay phép lạ nữa.
Mathiơ 7:21-23 “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác (kẻ làm trái luật pháp, Nêhêmi 1:7), ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!”
Như vậy, kẻ tiên tri giả khoe khoang với Đức Chúa Jêsus rằng họ đã nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đáng ngạc nhiên như làm cho kẻ bị mắc bệnh bất trị cũng được lành lại, người què lại đi được, kẻ câm được nói, kẻ điếc được nghe v.v… nhưng Đức Chúa Jêsus đã phán rằng “Hỡi kẻ làm gian ác (kẻ làm trái luật pháp), Ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi Ta.” Quả thật, nếu việc làm của họ là kết quả nhờ Thánh Linh thì họ làm sao không giữ điều răn của Ðức Chúa Trời được mà làm gian ác, làm trái luật pháp? Vả lại, nếu việc ấy là bởi Thánh Linh mà được làm thì tại sao Ðức Chúa Jêsus phủ nhận rằng Ngài không biết họ? Ấy là sự dạy dỗ của Ðức Chúa Trời, làm chứng rằng mọi việc ấy không phải là nhờ Thánh Linh mà là việc làm của thần dữ.
Ngoài ra, Kinh Thánh còn tiên tri trước về sự thật rằng vào thời đại cuối cùng thì quỉ dữ, thần dữ sẽ làm dấu lạ và phép lạ để mê hoặc nhiều người.
Khải Huyền 13:13-14 “Nó làm những phép lạ lớn, đến nỗi khiến lửa từ trên trời rơi xuống đất trước mặt người ta. Nó lừa dối dân cư trên đất bằng những phép lạ nó đã được phép làm ra trước mặt con thú; và khuyên dân cư trên đất tạc tượng cho con thú đã bị thương bằng gươm và đã sống lại.”
Lời tiên tri trên tỏ ra rằng con thú dùng những phép lạ lớn, là quyền phép từ nơi ma quỉ Satan mà có, để lừa dối dân cư trên đất. Chúng ta phải có trí tuệ để nhận thức và phân biệt rõ ràng Thánh Linh với thần dữ thông qua lời Kinh Thánh, và bởi đức tin mà đứng bền vững trên lời lẽ thật chứ đừng bị mê hoặc bởi kinh nghiệm phép lạ hay dấu kỳ; nếu không có lẽ thật mà chỉ nhìn xem phép lạ và dấu dị và cứ bị kéo theo, thì ắt phải bị ma quỉ Satan mê hoặc mà thôi. Ðược chép rằng:
Khải Huyền 16:13-14 “Tôi thấy từ miệng rồng, miệng thú, miệng tiên tri giả có ba tà thần ra, giống như ếch nhái. Ðó là những thần của ma quỉ, làm phép lạ và đi đến các vua trên khắp thế gian, để nhóm hiệp về sự chiến tranh trong ngày lớn của Ðức Chúa Trời toàn năng.”
Những thần của ma quỉ cũng đang làm phép lạ, bởi đó thật nhiều kẻ bị dỗ dành, bị mê hoặc, ấy là hiện thực của thời đại này. Cho nên, chúng ta phải có trí tuệ để phân biệt và nhận thức rõ ràng Thánh Linh với ác thần để giữ vững chắc sự cứu rỗi và Nước Thiên Ðàng.
Khải Huyền 19:20-21 “Nhưng con thú bị bắt và tiên tri giả là kẻ đã làm phép lạ trước mặt con thú, nhờ đó lừa dối những người đã nhận dấu hiệu con thú cùng thờ lạy hình tượng nó, cũng bị bắt với nó nữa; cả hai đều đương sống bị quăng xuống hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng. Những kẻ khác đều bị giết bởi lưỡi gươm ra từ miệng Ðấng cưỡi ngựa, và hết thảy chim chóc đều được ăn thịt chúng nó no nê.”
Bởi lời tiên tri, Ðức Chúa Trời cho chúng ta biết rằng kẻ tiên tri giả luôn làm phép lạ và kỳ diệu để dùng thủ đoạn đó mà dỗ dành cư dân thế gian. Vì thấy được những lời tiên tri này, chúng ta mới có sức nhận thức và phân biệt. Cho nên, chúng ta tuyệt đối không nên bị mù mắt bởi phép lạ và kỳ diệu mà trở nên kẻ phủ định lời lẽ thật của Ðức Chúa Trời. Thần Linh của Ðức Chúa Trời luôn luôn ở cùng với lẽ thật, ở trong lẽ thật, làm việc trong luật pháp lẽ thật và giao ước. Vậy mà, nhiều hội thánh cứ hiểu lầm sự chữa trị bệnh tật là sự phước lành của Thánh Linh; mỗi khi mở hội nhóm để phục hưng hội thánh của họ, thì họ kêu la rằng “Hãy nhận phước lành của Thánh Linh như bom hạt nhân và mưa lũ.”, và cứ tuyên truyền việc phép lạ. Nhận thức sai lầm của họ khiến cho người ta bị mất trí tuệ phân biệt lẽ thật với giả dối, khiến cho đức tin cao thượng hướng đến Nước Thiên Ðàng bị mất, khiến họ thương lượng và thỏa mãn với hiện trạng thế gian. Cuối cùng họ bị mất lòng trông cậy về sự sống đời đời và Nước Thiên Ðàng nữa.
Bây giờ, chúng ta phải chiếu rọi sự sáng của Tin Lành cho nhiều linh hồn loài người, cũng phải đấu tranh với sự trái luật pháp và không công bình, và đứng vững trên lẽ thật của Ðức Chúa Trời. Và chúng ta cũng truyền đạo Tin Lành cho nhiều linh hồn đang bị kẻ tiên tri giả lừa dối mà xoay lưng với lẽ thật để dẫn họ đến với ân huệ của Ðức Chúa Trời. Lễ Lều Tạm là lễ trọng thể chứa đựng sứ mạng truyền đạo để chúng ta chiếu sự sáng Tin Lành cho những người đang lạc đường trong sự tối tăm (sự giả dối) hầu cho họ được dẫn đến với lẽ thật. Sở dĩ Ðức Chúa Trời cho chúng ta hiểu biết trước về lẽ thật là vì Ngài đã xét chúng ta là xứng đáng được giao cho việc truyền Tin Lành vậy (I Têsalônica 2:3-4).