Ðạo Dối

Trong Kinh Thánh, thỉnh thoảng chúng ta gặp từ “đạo dối”, và các Cơ Đốc nhân cũng hay sử dụng cái từ đạo dối. Vậy thì chúng ta hãy tìm hiểu xem Kinh Thánh giải thích cái gì là đạo dối, trước tiên hãy đưa ra định nghĩa về đạo dối.

Sứ đồ Phierơ liệt kê ra những đặc trưng của đạo dối như sau:

II Phierơ 2:1-3 “Dầu vậy, trong dân chúng cũng đã có tiên tri giả, và cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em; họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa đã chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy phá thình lình. Có nhiều kẻ sẽ theo họ trong những sự buông tuồng, và đạo thật vì cớ họ sẽ bị gièm pha. Họ sẽ bởi lòng tham mình, lấy lời dối trá khoét anh em; nhưng sự kêu án nghịch cùng họ đã nghị định từ lâu nay, và sự hư mất của họ chẳng ngủ.”

Theo lời Kinh Thánh trên, chúng ta có thể nêu ra được đặc trưng của đạo dối như sau:

Thứ nhất, hậu quả của đạo dối là sự hư mất.

Thứ hai, đạo dối gièm pha lẽ thật.

Thứ ba, đạo dối không theo sự dạy dỗ Kinh Thánh, mà dạy người ta bằng lời không được ghi chép trong Kinh Thánh, tức là lời dối trá mà nó tự làm ra.

Thứ tư, đạo dối bị điều khiển bởi giáo sư giả – tiên tri giả, là kẻ đối địch Ðức Chúa Trời.

Thứ năm, đạo dối không thể được cứu rỗi bởi tất cả các lý do trên.

Vậy thì, ngày nay những nhà thờ hay hội thánh nào bị coi là đạo dối đây? Chúng ta có thể phân biệt một cách dễ dàng thông qua việc xem xét họ có làm theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh hay không.

1. Hội thánh không giữ ngày Sabát là đạo dối

Vì Kinh Thánh phán chúng ta phải giữ ngày Sabát, nên nếu nhà thờ hay hội thánh nào không giữ ngày Sabát thì ấy là đạo dối. Sau khi Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất và muôn vật, Ngài đã nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, rồi ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh. Như thế, Ngài đã lập ra ngày thứ bảy là ngày Sabát để kỷ niệm quyền năng Ðấng Sáng Tạo (Sáng Thế Ký 2:1-3). Vả lại, Ðức Chúa Trời cũng phán điều răn thứ tư về ngày Sabát này trong Mười Ðiều Răn rằng “Hãy nhớ ngày nghỉ (ngày Sabát) đặng làm nên ngày thánh.” (Xuất Êdíptô Ký 20:8).

Vậy thì, ngày thứ bảy là thứ mấy trong tuần theo chế độ tuần lễ ngày nay? Ấy là Thứ bảy. Không chỉ Kinh Thánh làm chứng như thế mà kể cả Thiên Chúa giáo – một trong những nhà thờ giữ thờ phượng Chủ nhật, cũng thừa nhận về điều đó như sau:

Không cần đề cập đến những điều khác, mỗi Cơ Đốc nhân chúng ta đều bắt buộc phải thánh hóa Chủ nhật và giữ ngày này khỏi những việc làm thế gian không cần thiết, đúng không? Chẳng phải thờ phượng ngày này là việc làm thiêng liêng nhất của chúng ta sao? Nhưng nếu đọc Kinh Thánh từ Sáng Thế Ký cho đến Khải Huyền, chúng ta không tìm ra được một dòng nào cho phép sự thánh hóa Chủ nhật. Kinh Thánh bắt buộc phải thờ phượng Thứ bảy – ngày mà chúng ta không bao giờ thánh hóa.

Trong khi ngày Sabát là Thứ bảy trong tuần, nhưng ngày nay hầu như các nhà thờ và hội thánh đang giữ thờ phượng Chủ nhật. Về điều này, Thiên Chúa giáo thừa nhận rằng chính họ thay đổi ngày Sabát thành Chủ nhật.

Vả, trong sách “A History of the Early Church to A.D.500” thì giải thích về sự biến đổi ngày Sabát thành Chủ nhật ấy như sau:

Tuy nhiên, ý nghĩa quan trọng nhất của chính sách này là việc ban hành pháp lệnh quy định Chủ nhật là ngày thờ phượng vào năm 321. Tuy ngày này (Chủ nhật) không mang tên gọi nào của Cơ Đốc giáo, nhưng chỉ được mô tả đơn thuần là ngày mừng đáng tôn kính, và về điều này không người ngoại đạo nào có thể phản đối được.

Xem xét câu trên, chúng ta biết được rằng ngày Sabát (Thứ bảy) là điều răn của Ðức Chúa Trời, còn thờ phượng Chủ nhật là điều răn của loài người do hoàng đế La Mã Constantine luật pháp hóa một cách cưỡng chế, là ngày tôn thờ thần mặt trời của người ngoại bang mà không có căn cứ trong Kinh Thánh.

Vậy thì, chúng ta hãy tìm hiểu xem Ðức Chúa Jêsus giữ thờ phượng vào ngày nào, và trong ngày đó Ngài đã làm gì.

Luca 4:16 “Ðức Chúa Jêsus đến thành Naxarét, là nơi dưỡng dục Ngài. Theo thói quen, nhằm Ngày Sabát, Ngài vào nhà hội, đứng dậy và đọc.”

Ðức Chúa Jêsus cũng lấy ngày Sabát này làm thói quen của Ngài, và nhằm ngày Sabát thì Ngài đi vào nhà hội và giảng Kinh Thánh. Thế mà nếu chúng ta không noi theo gương của Ðấng Christ thì liệu có thể nói được rằng mình đang tin vào Ðức Chúa Jêsus không? Mọi công việc của Ðức Chúa Jêsus đều là để làm gương cho chúng ta.

Giăng 13:15 “Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.”

Vì Ngài nói rằng đã làm gương để chúng ta noi theo, nên việc Ngài làm gương giữ ngày Sabát chính là để chúng ta cũng noi theo mà giữ ngày Sabát, chẳng phải vậy sao?

  • Ngày Sabát – ngày thứ bảy là dấu đi vào sự nghỉ ngơi đời đời (Hêbơrơ 4:4).
  • Đức Chúa Trời đã phán rằng ngày Sabát là chế độ Ngài ban cho loài người làm một dấu giữa Đức Chúa Trời và người dân (Êxêchiên 20:12).
  • Ðức Chúa Trời đã phán rằng người nào cầm vững giao ước ngày Sabát được dẫn đến nhà cầu nguyện của Ngài (Êsai 56:6-7).
  • Ðức Chúa Trời đã phán rằng người nào cầm vững giao ước ngày Sabát được nhận phước lành (Êsai 56:2).
  • Ðức Chúa Trời đã hứa ban sự vui mừng cho người nào giữ ngày Sabát (Êsai 56:7).
  • Ngược lại, Ðức Chúa Trời làm chứng rằng những người miệt thị và không giữ luật lệ ngày Sabát chí thánh này, là kẻ ác (Êxêchiên 22:26).
  • Ðức Chúa Trời ví kẻ phạm ngày Sabát như sư tử gầm rống nuốt tươi linh hồn của loài người (Êxêchiên 22:25).
  • Ðức Chúa Trời đã phán rằng sẽ hủy diệt những kẻ không giữ ngày Sabát bởi lửa thạnh nộ (Êxêchiên 22:25-31).
  • Ðức Chúa Trời đã làm chứng rằng Ngài ban luật lệ chẳng lành mà bởi đó không được sống cho những kẻ không giữ ngày Sabát (Êxêchiên 20:24-26).

Xét những điều trên, chúng ta biết rõ ràng rằng hội thánh nào không giữ ngày Sabát thì là đạo dối.

Hỡi các anh chị em yêu dấu! Mong phân biệt đúng đắn lẽ thật và giữ ngày Sabát để trở thành người dân được nhận phước lành có thể đi vào được Nước Thiên Đàng.

2. Hội thánh không giữ Lễ Vượt Qua là đạo dối

Hội thánh không giữ Lễ Vượt Qua là đạo dối, bởi vì Kinh Thánh phán chúng ta phải giữ Lễ Vượt Qua. Bởi Lễ Vượt Qua, chúng ta có được sự sống đời đời và được cứu khỏi sự hủy diệt cuối cùng. Ðức Chúa Jêsus làm gương giữ Lễ Vượt Qua để cho chúng ta, là những người đi theo cuộc đời của Ðấng Christ, được nhận thức rằng lẽ thật Lễ Vượt Qua quan trọng biết bao.

Mathiơ 26:18-19 “Ngài đáp rằng: Hãy vào thành, đến nhà một ngươi kia, mà nói rằng: Thầy nói: Giờ ta gần đến; ta và môn đồ ta sẽ giữ lễ Vượt qua trong nhà ngươi. Môn đồ làm y như lời Ðức Chúa Jêsus đã dạy mà dọn lễ Vượt qua.”

Trong câu trên, Ðức Chúa Jêsus phán cho môn đồ của Ngài rằng “Ta sẽ giữ Lễ Vượt Qua” và môn đồ làm y như lời Ngài đã chỉ dẫn mà chuẩn bị Lễ Vượt Qua và giữ rất thánh. Môn đồ vâng theo lời chỉ dạy quý trọng của Ðức Chúa Jêsus mà giữ Lễ Vượt Qua kể cả sau khi Ngài thăng thiên (Tham khảo: I Côrinhtô 11:23). Nhưng bây giờ, nhiều hội thánh nhà thờ quay lưng với Ðức Chúa Trời mà chối bỏ Lễ Vượt Qua, nói rằng Lễ Vượt Qua đã bị bỏ rồi, không cần giữ nữa. Những hội thánh nhà thờ như thế là đạo dối, bội nghịch điều răn Ðức Chúa Trời. Chúng ta phải biết rằng trong lời phán “Giữ Lễ Vượt Qua” mà Ðức Chúa Jêsus đã phán cho môn đồ, có chứa đựng tình yêu thương và hy sinh cao cả của Ngài muốn ban sự sống đời đời cho chúng ta.

Mathiơ 26:26-28 “… lấy bánh… mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. Ngài lại lấy chén (rươu nho), tạ ơn rồi… mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.”

Tại buổi lễ tiệc thánh cuối cùng của Lễ Vượt Qua, Ðức Chúa Jêsus hứa ban cho chúng ta sự sống đời đời bởi thịt và huyết bất diệt của Ngài, tuyên bố đây là giao ước mới. Vì thế, Ðức Chúa Trời nêu ra tầm quan trọng của Lễ Vượt Qua trong những câu Kinh Thánh để chúng ta giữ Lễ Vượt Qua mà đạt đến đức tin trọn vẹn. Hội thánh nhà thờ nào phớt lờ Lễ Vượt Qua thì cũng là phớt lờ mệnh lệnh của Ðức Chúa Trời nên tuyệt đối không thể nào được cứu.

Lễ Vượt Qua chứa đựng ý định sâu thẳm của Ðức Chúa Trời.

  • Lễ Vượt Qua hầu cho chúng ta có quyền thế được tha tội (Mathiơ 26:28).
  • Lễ Vượt Qua là lẽ thật ban cho chúng ta sự sống đời đời và là Tin Lành làm cho chúng ta trở thành một thân thể với Ðấng Christ (Giăng 6:54-57).
  • Giữ Lễ Vượt Qua thì ma quỉ bị xét đoán (Xuất Êdíptô Ký 12:12).
  • Giữ Lễ Vượt Qua thì chúng ta được cứu khỏi các tai vạ (Xuất Êdíptô Ký 12:13).
  • Nếu không giữ Lễ Vượt Qua thì bị truất khỏi dân sự Ngài (Dân Số Ký 9:13).

Như thế, Kinh Thánh chứng minh rằng Lễ Vượt Qua là luật ban sự sống nên hội thánh nhà thờ nào không giữ Lễ Vượt Qua thì chắc chắn là đạo dối.

3. Hội thánh giữ ngày giáng sinh của Ðức Chúa Jêsus vào ngày 25 tháng 12 không có căn cứ trong Kinh Thánh là đạo dối

Ngày 25 tháng 12 vốn là ngày tế lễ thần nông (Saturnalia), lễ hội lớn nhất trong năm vào thời đại La Mã, là ngày kỷ niệm ngày ra đời của thần mặt trời, và đã bị đổi tên thành lễ Nôen mà kỷ niệm giáng sinh của Đức Chúa Jêsus. Lễ hội thờ lạy thần tượng của ngoại đạo đã mượn danh của Đấng Christ mà lén ẩn vào trong hội thánh.

Nhật báo Joong-ang (ngày 23 tháng 12 năm 1983), Nhật báo Dong-a (ngày 8 tháng 12 năm 1970), Nhật báo Hàn Quốc (ngày 8 tháng 12 năm 1970) có đăng chi tiết rằng ngày giáng sinh của Ðấng Christ không phải là ngày 25 tháng 12, và lịch sử hội thánh Cơ Ðốc cũng có ghi chép về sự thật rằng ngày 25 tháng 12 không phải là ngày giáng sinh của Ðức Chúa Jêsus, mà là ngày ra đời của thần mặt trời La Mã. )

Liệu có phải là tín ngưỡng đúng đắn không nếu chúng ta đồng nhất hóa Ðấng Christ chí thánh với thần mặt trời? Là đạo dối nếu thờ lạy những hình tượng ngoại đạo, chẳng phải vậy sao? Cho nên, hội thánh nhà thờ nào giữ lễ Nôen vào ngày 25 tháng 12 là đạo dối.

4. Hội thánh tôn kính thập tự giá là đạo dối

Thập tự giá là một dụng cụ để xử tử hình tội phạm hung ác ở đế quốc La Mã cổ đại. Vậy, hành vi xem thập tự giá như là vật thánh mà tôn kính lên, là việc phạm tội thật lớn đồng lõa với âm mưu của ma quỉ. Bởi vì Đức Chúa Jêsus đã bị đối xử như một tên cướp mà phải gánh chịu khung hành hình này. Ðức Chúa Trời phán rõ ràng rằng không được thờ lạy bất kỳ hình tượng nào. Thập tự giá mà được các tay thợ tiện, trang sức bằng vàng hay bạc chẳng qua là hình tượng mà không thể ban cho chúng ta sự cứu rỗi hay sự sống đời đời (Giêrêmi 10:3-5).

Chúng ta được cứu nhờ huyết quý báu đổ trên thập tự giá chứ không phải do chính cái khung hành hình là thập tự giá. Cho nên, việc dựng nên thập tự giá trong hoặc ngoài nhà thờ và thờ lạy trước mặt nó không phải là theo Kinh Thánh. Chúng ta không thể không xem hội thánh nhà thờ làm những việc như thế là đạo dối. Tuy nhiên, ngày nay những người tự xưng rằng tin vào Ðức Chúa Trời lại không phân biệt lẽ thật và giả dối bằng Kinh Thánh, mà lại đang phân biệt Hội Thánh lẽ thật và đạo dối thông qua những điều kiện bề ngoài như là: Thế lực nhà thờ đó như thế nào? Có bao nhiêu tín đồ ở nhà thờ đó? Những mục sư, linh mục ở nhà thờ đó có học vị cao không? Vật đóng góp thu về được bao nhiêu? Từ đó, chúng ta có thể dễ dàng thấy được các vị lãnh đạo tôn giáo ngày nay là những kẻ mù về phần linh hồn đáng ghê tởm đến dường nào. Vì không thoát ra khỏi vòng quay của kẻ mù như thế này nên đương nhiên là họ không có trí phân biệt có thể phân biệt được giữa thiện và ác.

Êsai 5:20 “Khốn thay cho kẻ gọi dữ là lành, gọi lành là dữ; lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối…”

Rõ ràng bây giờ, trong sự ngốc nghếch ấy, người ta lấy lẽ thật làm giả dối, lấy dối làm thật. Hiện tượng này cũng giống như lúc Ðức Chúa Jêsus đến thế gian vào 1900 năm trước. Vào những ngày đó, những kẻ lãnh đạo tôn giáo đã không hiểu lời Tin Lành của Ðức Chúa Jêsus mà gọi Ngài là “phe người Naxarét” (Công Vụ Các Sứ Ðồ 24:5), rồi còn làm các hành vi vô liêm sỉ như đóng đinh Ngài trên cây thập tự, nhổ trên Ngài, vả Ngài, thậm chí còn bắt thăm lấy áo Ngài, cười nhạo Ngài.

Dù hội thánh giả dối có nhạo báng, bêu xấu, gọi Hội Thánh lẽ thật là đạo dối đi chăng nữa, thì lẽ thật cũng không thể trở thành đạo dối được. Sự thật vẫn là sự thật mặc dù bị cho là giả dối. Và đạo dối vẫn là đạo dối mặc dù được gọi là lẽ thật. Mặc dù muông sói mang lốt chiên nhưng cũng không thể nào trở thành chiên được, phải không? Ngày nay, chúng ta phải hiểu ra rằng các đoàn thể tôn giáo không hề dò xem lời giáo huấn Kinh Thánh mà lại buộc tội vô lý Hội Thánh của Ðức Chúa Trời là đạo dối, đang đi theo y nguyên những sai lầm của người Pharisi – những người đã từng gọi Đức Chúa Jêsus một cách khinh bỉ là “phe người Naxarét”. Nếu Hội Thánh vâng theo lời Kinh Thánh là đạo dối thì những hội thánh không làm theo lời Kinh Thánh phải được gọi là gì?